
Tựa đề bản tiếng Việt của sách là Thất lạc cõi người, còn tựa đề bản tiếng Anh là No Longer Human nhưng tôi vẫn thích nghĩa đen “Mất tư cách làm người” hơn, nó bao trọn ý nghĩa của tác phẩm hơn.
Những tác phẩm nổi tiếng của Dazai đều mang yếu tố tự thuật, kể lại những gì xảy ra với bản thân, những gì bản thân suy nghĩ. Thế nên thật khó để mà nói tác phẩm của Dazai chứa đựng sức hút hay sức hút đến từ chính cuộc đời của nhà văn này.
Ningen shikkaku là tiểu thuyết ngắn và đứt đoạn, gồm 3 “Quyển sổ ghi ghép” của chàng trai trẻ Ooba Youzou, khiến cho câu chuyện thật khó nắm bắt với người đọc lần đầu tiên. Từ bé Youzou đã cảm thấy không thể hoà nhập nổi với gia đình, với trường học, khoác lên cái vỏ bọc -mà tự tác giả nói là- chú hề để “sống sót” qua ngày. Cảm giác ấy ngày càng lớn dần, trong mắt cậu thanh niên Youzou, sự tồn tại của thế nhân và cả sự tồn tại của bản thân cậu cũng chỉ đơn thuần là một sự nhục nhã, đầy tội lỗi. Thế nên dù lối viết văn của Dazai vô cùng nhẹ nhàng, giản dị nhưng lại mang lại sự bi thương xuyên suốt tác phẩm.
Nhưng trong Youzou không hề mất đi cảm xúc yêu thương và khao khát được yêu thương, tôi nghĩ đó là lý do mà Youzou, hay cũng có thể nói Dazai, được nhiều độc giả yêu mến và thương cảm. Đã có lần cậu ta vùng lên, dùng chút sức cùng lực kiệt đấu một phen thắng bại với đời nhưng cuối cùng vẫn tan nát, vỡ vụn như một tấm gương.
Tác phẩm kết thúc bằng đoạn đối thoại giữa tác giả và madam của một quán bar, người giữ những cuốn sổ.
“Đã mười năm trôi qua, chắc Youchan đã chết.”
Đúng năm đó (1948) tác giả tự kết liễu đời mình sau khi hoàn thành Ningen shikkaku và một truyện ngắn còn đang dang dở có tên Good-Bye.
Đây không phải là một tác phẩm dễ đọc, dễ được chấp nhận vì nó u sầu, mang đầy tính tự huỷ, tự vứt bỏ cuộc đời thế nên tôi nghĩ nên dành chút thời gian tìm hiểu về hoàn cảnh lịch sử, trường phái văn học, cuộc đời của tác giả trước khi đọc thì tốt hơn. Cũng không khó để tìm thấy những tác phẩm về bi kịch trong nhân sinh của những người trẻ trong những tác phẩm văn học Nhật Bản sau này nhưng theo lối dễ tiếp thu hơn, ít bi kịch hơn (và những nhân vật trong truyện không phải là chính tác giả), ví như Rừng Na Uy của Haruki Murakami chẳng hạn.
[Ngoài lề]
Ấn bản tại Việt Nam được tặng kèm thêm 3 truyện ngắn Đêm Tuyết, Một trăm cảnh núi Phú Sĩ, Tám cảnh sắc Tokyo, bổ sung thêm chút góc nhìn về cuộc đời của Dazai.
Cuối sách là phần phụ lục, một nửa tóm tắt (dù nói tóm tắt nhưng khá chi tiết) về cuộc đời, sự nghiệp của Dazai, mình đánh giá cao việc bổ sung này. Nhưng nửa sau lại là cảm nhận của riêng dịch giả về Dazai cũng như về Nigen shikkaku, có lẽ dịch giả Hoàng Long là một người yêu mến Dazai nên phần này quá dài dòng một cách không cần thiết và mang nhiều cảm xúc, nhận định cá nhân. Tôi nghĩ các bạn nên bỏ qua hoặc lướt sơ phần này. Cứ tự cảm nhận theo cách riêng của mình, chuyện không thích một tác phẩm kinh điển là quá bình thường.
[Rating]
4/5